LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (THPT) TÂN BÌNH

12:13 28/02/2025

I. PHẦN GIỚI THIỆU

Vô cùng vinh dự và tự hào khi trường THPT Tân Bình tọa lạc tại một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng - vùng đất chiến khu D. Địa danh Cổng Xanh- Bông Trang-Nhà Đỏ cũng đã đi vào trang sử nước nhà trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Nhìn ngôi trường bề thế khang trang tại nơi đây, ít ai biết đến sự ra đời và trưởng thành của ngôi trường này trong chặng đường suốt 45 năm với 05 lần đổi tên trường, 05 lần chuyển đổi vị trí từ những ngày đầu mới thành lập đầy vất vả khó khăn đến sự trưởng thành và lớn mạnh hôm nay!

 Tiền thân của Trường Trung học phổ thông (THPT) Tân Bình là Trường phổ thông trung học (PTTH) – vừa học vừa làm (VHVL) Phước Sang, sau đó đổi tên mới là phổ thông trung học - kỹ thuật cao su Phước Hoà rồi đến Trường PTTH Phước Hòa, Trường cấp 2,3 Tân Bình rồi đổi thành trường trung học phổ thông (THPT) Tân Bình như hiện nay. Ngày đầu thành lập, trường được xây dựng tại xã An Bình, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (nay là xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Sau đó di dời cho đến nay, trường chuyển về đường DT 741, khu phố Cổng Xanh, thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Trường THPT Tân Bình trải qua 45 năm hình thành và phát triển, chặng đường bốn thập kỷ qua có thể chia làm 04 giai đoạn:

1. Giai đoạn 1978 đến năm 1983

Trường Trung học phổ thông (THPT) Tân Bình thành lập trên tiền thân của Trường phổ thông trung học vừa học vừa làm (VHVL) Phước Sang được xây dựng và hoạt động vào tháng 5 năm 1978. Trường đặt tại địa điểm cạnh suối Giai (Bến Bà Mụ), ấp Phước Sang, xã An Bình, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (nay là xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Trường được thành lập dựa vào sự tài trợ của Nông trường cao su Phước Sang. Người chọn địa điểm xây cất trường là ông Mười Răng (cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sông Bé).

Đường vào trường chỉ là con đường đất dành cho xe trâu, xe bò đi lại, vào mùa mưa có nhiều sình lầy, mùa nắng thì nhiều cát bụi nóng. Qua hết đường đất, đến một cây cầu giã chiến bắc ngang qua kênh thuỷ lợi Suối Giai, được làm bằng những thân cây rừng đi rất gập ghềnh và trơn trợt. Mỗi khi cần đi về nhà thì tất cả cán bộ giáo viên, công nhân viên, học sinh phải đi bộ, băng đồng, lội qua đầm lầy, men theo lối mòn ngoằn ngoèo xuyên hết rừng lau sậy mới ra được đường lộ lớn để đón xe đò.

Ngôi trường được xây dựng bằng những thanh tre, tấm vách và nền làm bằng đất, có 6 phòng học, mỗi bên 3 phòng, phía trước là một cái sân rộng, có vài ba cây cổ thụ rợp bóng mát. Cơ sở vật chất ban đầu của nhà trường hầu như không có gì. Khó khăn bộn bề khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề và khát khao tìm tri thức đã trở thành động lực to lớn giúp thầy và trò nhà trường vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, quyết tâm “ươm mầm xanh” nơi miền đất khô cằn.

Trường chính thức khai giảng năm học đầu tiên 1978-1979 vào ngày 20-11-1978 (Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam hiện nay) có một lớp 11 gồm 19 học sinh (4 học sinh nữ) và hai lớp 10. Trường chỉ có hơn chục thầy cô giáo ở khắp nơi được phân công về giảng dạy, thầy Trịnh Hữu Sắc quê ở Thanh Hoá là người Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Đơn vị được nhà nước giao 6 ha đất có triền gò liền với ruộng và giáp Suối Giai (bến Bà Mụ) để canh tác. Nhằm thực hiện nguyên lí “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất” nên học sinh lúc này một buổi học văn hoá, một buổi lao động trồng khoai mì, lúa, bầu, đậu xanh, bí đỏ, ... nuôi cá , nuôi heo,... để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Mặc dù có những khó khăn nhưng Cấp ủy nhà trường lúc này quyết tâm chỉ đạo Ban Giám hiệu cùng các tổ chức đoàn thể duy trì tốt phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” phối hợp chặt chẽ với mọi nguồn lực để tập trung giáo dục toàn diện cho học sinh. Năm học 1979-1980 là năm học đầu tiên của trường có học sinh tham gia thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Kết quả đỗ 100% trở thành nguồn động lực, quyết tâm cao cho thầy và trò trong những năm học tiếp theo. Hàng năm số lượng học sinh theo học tại trường tăng lên, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học luôn được giữ vững đạt 100%. Trường rất tự hào với thành tích tốt nghiệp của học sinh và vui mừng hơn khi trong số học sinh đạt tốt nghiệp PTTH thủ khoa của tỉnh Sông Bé lúc này có tên học sinh trường là em Nguyễn Thanh Cần (năm học 1980-1981),… 

Đến năm 1983 nông trường Phước Sang bị giải thể, nhà trường không có nguồn tài trợ chính nên mọi chi phí ăn ở, học phí của học sinh do gia đình và nhà trường tự lo. Đất canh tác đã bị thu hồi, không có công cụ lao động, không có tư liệu sản xuất mà chỉ có dạy văn hoá đơn thuần thì trường không thể tồn tại loại hình trường vừa học vừa làm nên nguy cơ “đóng cửa trường”  rất cao. Trước tình hình đó, Ban giám hiệu đã tham mưu lên Sở Giáo dục Sông Bé để xin công ty Cao su Phước Hoà tài trợ để cho trường vừa học vừa làm Phước Sang được duy trì và phát triển bền vững.

2. Giai đoạn năm 1984 đến 1989

Trường THPT-VHVL Phước Sang sau khi giải thể được Công ty Cao su Phước Hoà nhận đỡ đầu hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí học tập cho học sinh. Năm học 1984-1985, trường di chuyển về địa điểm mới và đổi tên trường là phổ thông trung học (PTTH) - kỹ thuật cao su (KTCS) Phước Hoà. Ngôi trường được xây dựng bán kiên cố tại cạnh đường ĐT 741, ngã ba Cổng Xanh, xã Tân Bình, Huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé. Nhà ở, phòng làm việc, nhà kho,… cũng vẫn lợp mái bằng tranh, vách tre, chỉ có các phòng học (04 phòng cấp 4) được xây gạch, lợp fibro.

Trong thời gian này, đất nước ta gặp rất nhiều trở ngại về phát triển về kinh tế, đời sống cán bộ giáo viên và nhân dân gặp rất khó khăn. Học sinh lúc bấy giờ vẫn học buổi sáng, buổi chiều làm cỏ và phát chồi dại cho cây cao su của Công ty cao su Phước Hoà. Tuy nhiên càng khó khăn vất vả càng thôi thúc khát khao học tập của các thế hệ học sinh với đội ngũ nhà giáo kiên trì bám trường, bám lớp, đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”

Năm học 1988-1989, nhà trường lại một lần nữa rơi vào tình cảnh khó khăn do chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang kinh tế thị trường, không còn hình thức VHVL mà trở thành trường PTTH bình thường cũng có nghĩa là không còn chế độ nội trú được nhà nước chu cấp cho mỗi học sinh 13 kí gạo mỗi tháng như trước mà các em phải tự túc lương thực để ăn học. Nhiều em do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải xin vào học trường VHVL nay giải thể đứng trước nguy cơ bỏ học, nhiều em chuyển trường về địa phương gần gia đình để học tiếp… (Phải nói thêm một đặc điểm của trường PTTH-VHVL Phước Sang và PTTH - KTCS Phước hòa hồi đó  là trường VHVL được nhà nước bao cấp nên ngoài đối tượng là học sinh địa phương (Tân Bình, Bình Mỹ, Phước Hòa, Hưng Hòa) do nhà gần trường theo học thì qui tụ rất đông các em ở nhiều địa phương khác như TP HCM, Tây Ninh, Tân Lợi, Đồng Xoài,…(Bình Phước) theo học). Khi chuyển sang phổ thông thì trường cũng đổi tên là Trường PTTH Phước Hoà.

 Trước những thách thức khó khăn, thầy và trò luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…” càng quyết tâm hơn để đạt được mục tiêu của giáo dục. Thành quả của nhà trường nhiều năm liền vẫn được giữ vững: thi tốt nghiệp luôn đạt 100%, năm 1986 được xếp thứ II toàn quốc về tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng; đội tuyển học sinh giỏi nhiều em tham gia và đạt giải cao cấp Tỉnh và cấp Quốc gia. Nhà trường được Sở Giáo dục Đào tạo xếp loại trường có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp và học sinh giỏi cao trong tốp đầu của tỉnh.

3. Giai đoạn 1990 đến 2022

Đến năm học 1989-1990, trường lại một lần nữa di dời về đường ĐT 747, ấp Cổng Xanh, xã Tân Bình, Huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (nay là Huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trường đổi tên là trường cấp 2, 3 Tân Bình. Trường được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư xây dựng 4 phòng học cấp 4 tường gạch mái fibro và 1 dãy nhà văn phòng hiệu bộ sườn gỗ vách gạch không tô xi măng, mái lợp fibro. Nhà trường vận động kinh phí hỗ trợ thêm từ nhiều nguồn xây dựng thêm 3 phòng (nhà ở tập thể) bằng gạch không tô xi măng, nền đất và mái lợp bằng fibro dành cho cb, gv công nhân viên nhà xa ở lại công tác.

Hàng năm số lớp học bắt đầu tăng lên, số lượng học sinh theo học ngày càng đông hơn, đội ngũ thầy cô giáo ngày càng nhiều thêm. Các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường luôn kiên trì phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc mục tiêu giáo dục. Tất cả sẽ là nền móng vững chắc cho việc giáo dục đạo đức, lối sống nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh, thúc đẩy phong trào dạy tốt học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Đến năm 2001 trường được sự quan tâm của các cấp các ngành nên bắt đầu được xây dựng lầu hóa và hoàn thành vào năm 2002. Cơ sở vật chất của trường tương đối đầy đủ và khang trang với 27 phòng học chính thức dành cho hai cấp học (trường vẫn thuộc loại hình ghép cấp 2 và 3, có đầy đủ các phòng hiệu bộ, phòng chức năng, phòng học vi tính,… Đội ngũ cán bộ giáo viên và nhân viên hiện nay có 95 người với 44 lớp. Tổng số học sinh của cả hai cấp là trên 1682 học sinh.

4. Giai đoạn 2022 đến nay

Ngày 01 tháng 7 năm 2022, thực hiện chỉ đạo của cấp trên tách khối THCS và THPT đối với trường THPT Tân Bình. Năm học 2022-2023, trường lại một lần nữa di dời về đường ĐT 741, tổ 4, khu phố Cổng Xanh, thị trấn Tân Bình, Huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trường được xây dựng mới rất kiên cố đầu tư ban đầu gồm:

Khối phòng học: 04 tầng, phục vụ 19 lớp học 2 buổi/ngày có 19 phòng học (có 01 phòng dành cho HS khuyết tật);

Khối phòng học bộ môn: TN-TH Lý, Hoá, Sinh, Tin, Công nghệ và Ngoại ngữ.

Khối phục vụ học tập: Thư viện, Thiết bị,…

Khối hành chính

Khối nhà tập đa chức năng.

Hiện tại trường có 19 lớp, HS, trong đó đa phần HS của 02 địa bàn của xã Bình Mỹ và thị trấn Tân Bình, bên cạnh đó có 01 số em trên địa bàn lân cận như: Vĩnh Tân, Phú Chánh (TP. Tân Uyên), Hưng Hoà, Tân Hưng (huyện Bàu Bàng), Chánh Phú Hoà (TP. Bến Cát); Tổng số CBQL: 03 người; GV dạy lớp: 32 người; Nhân viên: 08 người.

III. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA CÁC THẾ HỆ THẦY TRÒ

Đến nay đã 45 năm xây dựng và phát triển, nhà trường luôn lấy hiệu quả chất lượng làm tiêu chí đánh giá. Nhiều thầy cô đã phấn đấu học tập vươn lên không ngừng. Hiện nay nhà trường có nhiều giáo viên có trình độ Thạc sĩ và nhiều giáo viên đang theo học.

 Thầy cô luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Cùng với quá trình xây dựng và trưởng thành của nhà trường được 45 năm, nhiều thầy cô đã lăn lộn gắn bó với nhà trường, đổ bao mồ hôi công sức để giảng dạy đào tạo cho xã hội hàng ngàn công dân có ích. Nhiều thầy cô đã trở thành Giáo viên giỏi cấp Tỉnh, Chiến sĩ thi đua các cấp như thầy Nguyễn Sỹ Hồ, cô Lê Thị Lan, thầy Nguyễn Văn Phong, cô Nguyễn Thị Uyên Thái, cô Nguyễn Thị Kim Đào, thầy Quách Đức Thịnh, cô Nguyễn Xuân Phương, cô Nguyễn Thị Thanh Bình, cô Nguyễn Thị Mai, cô Đoàn Thị Phương Thơ, cô Chế Thị Thuận, cô Lê Thị Thi, cô Dương Thị Tuyết Giang, cô Nguyễn Thị Hồng Nhiên, cô Tạ Vân Anh, cô Nguyễn Thị Mai, cô Trần Thị Mộng Thu, cô Nguyễn Thị Hoa, cô Trần Thị Mỹ Phượng, thầy Hoàng Ngọc Bảo,…

Những thầy cô giáo luôn có thành tích cao trong giảng dạy và công tác được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen: cô Lê Thị Lan, thầy Quách Đức Thịnh, cô Nguyễn Thị Uyên Thái, cô Huỳnh Thị Xanh, cô Nguyễn Thị Thanh Bình, cô Chế Thị Thuận,… Đặc biệt tự hào vì trong đội ngũ nhà giáo của nhà trường chúng ta, cô Lê Thị Lan vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú (2010) nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với đội ngũ giáo viên của nhà trường chính là sự tín nhiệm, là tình cảm tin yêu quý trọng của nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh trong 45 năm qua.

Dọc suốt chiều dài 45 năm, tại ngôi trường THPT thân thương này đã có hơn 300 cán bộ, giáo viên và nhân viên đã và đang công tác. Các thế hệ nhà giáo và nhân viên của trường đã đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp giáo dục đào tạo, sống giản dị, mẫu mực, tác phong sư phạm, tích cực đổi mới phương pháp, cần cù sáng tạo trong công tác giảng dạy, được học sinh kính trọng, nhân dân tin tưởng. thầy cô đã gửi gắm biết bao tâm huyết và tình cảm, cống hiến trí tuệ và công sức cho sự nghiệp “trồng người”.

Chúng ta cũng ghi nhớ công ơn các lãnh đạo nhà trường trong chặng đường 45 năm: Thầy Trịnh Hữu Sắc, thầy Nguyễn ĐìnhThư, thầy Đoàn Công Quan, thầy Nguyễn Văn Trâm, thầy Mai Long Nguyên, thầy Võ Thành Danh, thầy Trần Phát Hưng, thầy Nguyễn Văn Dinh, thầy Nguyễn Thế  Cường.

Chất lượng dạy và học của nhà trường không ngừng nâng cao, các thế hệ học sinh dưới sự dạy bảo tận tình của các thầy cô đơn vị đã trưởng thành, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Hàng năm tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt từ 95% trở lên đặc biệt 05 năm gần đây đạt 100% và xếp hạng trong tỉnh vượt qua các trường lân cận và đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng đạt từ 60% - 90%.

Có thầy giỏi ắt phải có trò giỏi. Sẽ vô cùng thiếu sót nếu không kể tên các thế hệ học trò đã được ghi danh trong bảng vàng danh dự của nhà trường. Đó là những học sinh đã đạt giải cao trong các kì thi HSG cấp Tỉnh và cấp Quốc gia. Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành giữ những trọng trách trong bộ máy quản lý của nhà nước. Nhiều học sinh đã trở thành những nhà khoa học, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo giỏi, doanh nhân thành đạt ở các doanh nghiệp, công ty, tổng công ty. Thậm chí, một số em đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang... 

Nhà trường luôn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ dạy chữ, dạy người, đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, năm học 2019-2020 trường được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia mức độ 1, đáp ứng được yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất, có năng lực cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thời kỳ hội nhập.